Bối cảnh Án_đĩnh_kích

Theo truyền thống của chế độ phong kiến Trung Quốc, con trai trưởng của chính cung hoàng hậu được lập làm Hoàng thái tử. Nếu hoàng hậu không có con thì chọn người con trưởng do tần phi sinh ra làm thái tử. Minh Thái Tổ Hồng Vũ đế sau khi lên ngôi ban ra Hoàng Minh tổ huấn, buộc con cháu về sau phải tuân theo pháp độ này. Nhưng trong lịch sử triều Minh cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp ngoại lệ như Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc đế soán ngôi của cháu là Kiến Văn đế, Cảnh Thái đế được lập lên khi Minh Anh Tông bị rơi vào tay người Mông Cổ hay Thủ phụ Dương Đình Hòa lập Minh Thế Tông Gia Tĩnh đế khi dòng chính của hoàng gia không còn người kế vị.

Thời kì Minh Thần Tông Vạn Lịch đế, trung cung Vương hoàng hậu vô tử, triều thần đều ủng hộ Hoàng trưởng tử Chu Thường Lạc kế thừa đại thống theo đúng như tổ huấn. Hoàng trưởng tử Thường Lạc chào đời năm Vạn Lịch thứ 10 (1581), do một cung nữ sinh ra, về sau cung nữ này được phong làm Cung phi nhưng bị thất sủng. Ngược lại Thần Tông sủng ái Trịnh thị, sách phong lên ngôi Hoàng quý phi. Trịnh quý phi hạ sinh được Tam hoàng tử Chu Thường Tuân, lại nhân chiếm được sự sủng ái của Vạn Lịch đế, nên ra sức vận động để con mình trở thành thái tử. Tuy nhiên phía Lý thái hậu, Vương hoàng hậu và chúng đại thần đều ủng hộ Chu Thường Lạc, hai phe đối đầu gay gắt, sử gọi là cuộc chiến tranh giành quốc bổn.

Vạn Lịch đế không thương con trưởng, đến năm Thường Lạc đã lên 10 mà vẫn cứ trì hoãn lập tự. Bấy giờ đảng Đông Lâm lên tiếng ủng hộ cho Hoàng trưởng tử, thanh thế rất lớn. Năm Vạn Lịch 29 (1601), Vạn Lịch vô kế khả thi, đành phải phong cho Chu Thường Lạc làm thái tử, Chu Thường Tuân làm Phúc vương, ban đất phong ở Lạc Dương[1]. Trong vụ này, hoàng đế đã nhận thất bại trước thế lực phe phái trong triều, tuy nhiên sự việc chưa dừng lại ở đó. Trịnh quý phi oán hận vì không chiếm được ngôi thái tử, đã gây ra một vụ việc chấn động nhất lịch sử hậu cung nhà Minh từ khi lập quốc - Án đĩnh kích.

Liên quan